Sau 2 tháng lắp thí điểm hệ thống van ngăn mùi hôi tại miếng cống nắp hố ga và lưới chắn rác kết hợp bó vỉa, nước mưa đã rút nhanh hơn, mùi hôi từ cống không còn. Tuy nhiên, vẫn còn những điều 'đáng buồn' do ý thức người dân.
Từ đầu tháng 8, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM ứng 8,3 tỉ đồng để lắp đặt thí điểm hệ thống van ngăn mùi hôi tại miệng cống nắp hố ga và lưới chắn rác kết hợp bó vỉa tại 1.000 vị trí. Hiện nay, đơn vị đã hoàn thành thí điểm tại 3 tuyến đường là Vĩnh Khánh (Q.4), Trương Định (Q.3) và Lê Văn Thọ (Q. Gò Vấp) với 313 vị trí.
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Thoát nước mưa, thuộc Công ty Thoát nước đô thị cho biết theo khảo của đơn vị sau những cơn mưa lớn xuất hiện vào cuối tháng 9, nước mưa tại các tuyến đường rút nhanh hơn, không tắc nghẽn.
“Đặc biệt là tuyến Lê Văn Thọ, trước đây đường này ngập do cống quá tải và do cống hôi nên người dân dùng bao nilon, áo mưa để che chắn gây ngập. Từ khi thay nắp hố ga mới, rác không trôi xuống được, cống cũng không có mùi hôi nên người dân không phải che chắn, nước mưa đã rút nhanh hơn”, ông Trường thông tin.
Bà Trần Thị Yến (số nhà 71B đường Lê Văn Thọ) cho biết trước đây mỗi lần mưa là ngập kéo dài, có đoạn gần lút bánh xe, khi trời nắng thì bà phải dùng bao che miệng hố ga lại để khỏi bay mùi. Từ khi thay hố ga kiểu mới, đường Lê Văn Thọ chỉ ngập tại đoạn trũng nhất nhưng 15 phút là rút hết, trời nắng cũng không có mùi hôi từ miệng cống bốc lên.
Anh Phạm Xuân Sang (nhà ở đường Lê Văn Thọ) cũng chia sẻ rằng nắp hố ga mới nhìn có tính thẩm mỹ cao hơn vì đồng bộ với vỉa hè, rác không đọng ở miệng cống. “Giờ thì nước rút nhanh, không hôi nên mấy nhà mặt tiền không phải bịt miệng cống lại, đường phố nhìn cũng đẹp hơn”, anh Sang nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, tại một số nơi, người dân vẫn để rác ở ngay miệng hố ga dù không có mùi hôi. Một công nhân của Công ty thoát nước đô thị chia sẻ: “Đây là thói quen, dù không hôi nhưng người dân vẫn để rác trước các miệng hố ga. Mưa to mà quên chuyển các bịch rác này đến vị trí khác là nước lại không rút được gây ngập đường. Còn tại những miệng hố ga kiểu cũ, rác sẽ trôi xuống gây tắc nghẽn cống”.
‘Càng mưa lớn, hố ga càng sạch!’
Ông Trường cho biết tại đường Trương Định, đa phần là các cơ quan ban ngành, duy chỉ có đoạn giao nhau với Kỳ Đồng là nhiều nhà dân nên rác và lá cây đổ dồn về phía miệng hố ga. Với hệ thống hố ga cũ, lá cây và rác gây nghẽn cống, còn hệ thống mới, chỉ lá me mới chui lọt xuống dưới. Tuy nhiên, với cơ chế thu nước của miệng thu kiểu mới, càng mưa to thì hố ga càng sạch.
Ông Trường dẫn chứng: “Tại Trương Định khi chưa thay hố ga, trước khi mưa thì công nhân phải vớt rác trước miệng thu. Vào mùa mưa thì ngay sau khi mưa cũng phải đi vớt liền vì tới chiều tối hoặc đêm mưa mà không vớt kịp sẽ ngập ngay. Hố ga này bớt được công mà người công nhân thoát nước phải thực hiện. Nếu như trước kia 1 tuyến đường phải 2 công nhân đi làm cả ngày không xong, thì nay 1 tuyến chỉ cần 1 công nhân và đi 1 buổi là xong. Tới nay, có những vị trí đã lắp 2 tháng nhưng công nhân chưa phải duy tu lần nào”.
Theo kế hoạch, cuối tháng 12.2017, Công ty Thoát nước đô thị sẽ báo cáo UBND TP về kết quả thí điểm hệ thống van ngăn mùi hôi tại miếng cống và lưới chắn rác kết hợp bó vỉa. Nếu được, đơn vị sẽ lắp tiếp tại các tuyến đường khác trên địa bàn TP, trong đó ưu tiên các tuyến đường thường bị ngập, khu vực đông dân, trung tâm, trường học, bệnh viện hoặc những nơi đã được cải tạo cống.
Bình luận
An - 05/02/2018 19:38:02
Theo kế hoạch, cuối tháng 12.2017, Công ty Thoát nước đô thị sẽ báo cáo UBND TP về kết quả thí điểm hệ thống van ngăn mùi hôi tại miếng cống và lưới chắn rác kết hợp bó vỉa. Nếu được, đơn vị sẽ lắp tiếp tại các tuyến đường khác trên địa bàn TP, trong đó ưu tiên các tuyến đường thường bị ngập, khu vực đông dân, trung tâm, trường học, bệnh viện hoặc những nơi đã được cải tạo cống.